Thực hiện kế theo hoạch năm học, ngày 27/5 vừa qua, trường THCS Liên Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình đã tổ chức thành công hoạt động trải nghiệm: “Tìm hiểu giá trị làng nghề truyền thống nón lá Quy Hậu”. Hoạt động thu hút được sự tham gia nhiệt tình của hơn 450 học sinh, quý bậc phụ huynh và đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn.
Theo đó, chuỗi hoạt động
trải nghiệm diễn ra với nhiều nội dung, được thực hiện và duy trì trong suốt cả
năm học, gồm: khảo sát nắm bắt số lượng gia đình học sinh làm nón lá cũng như số lượng
học sinh, giáo viên biết chằm nón; tổ chức cho cán bộ - giáo viên - nhân viên
và học sinh tìm hiểu truyền thống làng nghề nón là Quy Hậu; tổ chức ngày hội trải
nghiệm - tìm hiểu mô hình và phát động
cuộc thi làm mô hình trang trí tại lớp học có chủ đề về nón lá. Học sinh sẽ thuyết
trình về mô hình, dựng các video quảng bá, giới thiệu làng nghề…
Tại buổi diễn ra hoạt động
thực nghiệm chiều ngày 27/5, các em học sinh đã được tham gia vào các hoạt động
như: giới thiệu tổng quát về làng nghề truyền thống nón lá Quy Hậu, xã Liên Thủy,
huyện Lệ Thủy; trải nghiệm thực tế các công đoạn để làm ra một chiếc nón lá;
chia sẻ từ phía khách mời; cảm nhận của học sinh; tổ chức các trò chơi tìm hiểu
về lịch sử, giá trị, ý nghĩa của làng nghề truyền thống.
Trường THCS Liên Thủy đóng trên địa bàn thôn Quy Hậu - nơi có
làng nghề nón lá với lịch sử hình thành và phát triển hơn một thế kỉ qua. Việc
tổ chức cho học sinh trải nghiệm, tìm hiểu về làng nghề làm nón lá truyền thống
nhằm mục đích quảng bá, bảo tồn, giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống
của quê hương, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng và phát triển quê
hương ngày càng giàu đẹp. Đây cũng là hoạt động giáo dục giúp bồi đắp cho học
sinh tình yêu quê hương, yêu lao động, thái độ tôn trọng lịch sử, không ngừng
nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước.
Như ta biết, Lệ Thủy là
vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”, có địa hình đa dạng, hội đủ các yếu tố rừng
núi, sông suối, đồng bằng và bờ biển, còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử của nền
văn hóa truyền thống lâu đời gắn kết với làn điệu hò khoan… thì Lệ Thủy còn là
quê hương của những làng nghề thủ công truyền thống như: chiếu cói An Xá, đan
lát Xuân Bồ, chổi đót Lệ Bình… Đặc biệt, làng nghề nón lá truyền thống Quy Hậu
nổi danh khắp chốn xưa nay.
Nghề
làm nón Quy Hậu xuất hiện khoảng những năm đầu thế kỷ 20. Theo lời các cụ già kể
lại, người đầu tiên đem nghề nón về với Quy Hậu là hai ông Nguyễn Văn Dỵ (thường
gọi là ông Bộ Chiêm), và ông Đỗ Bá Mỡn (thường gọi là ông thợ Giồng), đó là vào
khoảng những năm 1905 - 1906. Hai ông vốn làm nghề thợ may, vì giỏi nghề may
nên đã rủ nhau ra thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch, Quảng Bình) may thuê. Chợ phiên
Ba Đồn cứ bảy ngày nhóm một lần. Hàng hóa từ các vùng lân cận, cả tận ngoài Hà
Tĩnh dồn về, nên rất phong phú. Chỗ làm nghề may của các cụ được thuê gần chợ
Ba Đồn, ngay làng Thổ Ngọa (nay thuộc phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tỉnh
Quảng Bình).
Nơi đây có sẵn nghề làm
nón rất phát triển, đời sống khá hơn các làng khác. Thấy đây là nghề có thể
giúp ích cho dân làng vào thời vụ nông nhàn, hai ông trở về nhà vận động thêm
ba người bạn thân là Lê Quang Mạc (Hường Mạc), Nguyễn Văn Tranh và Nguyễn Quang
Suyền cùng ra Ba Đồn học nghề nón, đem về truyền dạy cho bà con quê mình. Trong
nhóm có ông Bộ Chiêm, vợ mất đã lâu, để lại hai người con gái là Chiêm và Hạnh.
Cảnh gà trống nuôi con, may nhờ được người quen mai mối, ông Bộ Chiêm lấy bà
Nga - một người phụ nữ có tay nghề giỏi của làng Thổ Ngọa. Sau ngày cưới, ông
đưa vợ về quê. Bà Nga giúp ông truyền nghề nên từ đó nghề nón bắt đầu được lan
truyền về Quy Hậu cho tới hôm nay.
Với
bàn tay khéo léo của người thợ, chiếc nón lá được làm ra với nhiều công
đoạn khác nhau. Bắt đầu
quá trình sản xuất là công đoạn tìm tre (cây lồ ô). Cây
tre phải đảm bảo được
yếu tố khoảng cách giữa các mắt tre sao cho càng dài
càng tốt. Sau đó cây
tre được vót thành từng vành nhỏ để áp khít vào 16 vành khuôn theo thứ tự từ
hình chóp nón.
Xong
công đoạn này, người thợ bắt đầu chuyển sang việc làm lá, đây là
công đoạn công phu và
cần sự cẩn thận cao hơn. Cây lá nón sau khi lấy về phải
được phơi qua nắng
cho đủ độ khô và dai, rồi từng chiếc lá được bắt ra thành
những bẹ lớn sau đó
được đem đi “ủi” (là) cho phẳng phiu, đẹp
đẽ.
Tùy
vào kích thước của từng chiếc lá mà người thợ sắp xếp sao cho hợp lí
nhất. Lá được kết lên
chiếc khuôn đã được vót tre sẵn trước đó rồi chuyển sang
công đoạn chằm nón (hay
còn gọi là may nón). Công đoạn khó nhất để
tạo ra được một chiếc
nón là công đoạn chằm, đòi hỏi người thợ phải thật kiên
trì, khéo léo và tỉ mỉ
chỉ cần sơ ý một chút là lá nón sẽ bị nhăn và rách. Từng
tay kim và những sợi
chỉ trong suốt, thoăn thoắt cứ đưa lên đưa xuống làm cho
những tấm lá trắng
xanh như được dán vào bộ vành bằng một thứ keo vô hình.
Khâu
xong nón, đánh quai, chải dầu. Lớp dầu bóng bằng nhựa thông pha
cồn làm cho nón thêm
sáng, đẹp và chống thấm nước.
Làng
nghề làm nón lá Quy Hậu không chỉ giúp người dân trong làng thêm
thu nhập mùa nông
nhàn mà còn giúp miền quê này trong việc bảo tồn,
gìn giữ và phát huy
những giá trị văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của làng,
giúp người dân thực sự
kế tục những truyền thống tốt đẹp của quê hương, của
dân tộc Việt Nam.
Nghề nón xưa và nay vẫn
một lòng sắt son, thủy chung, nhẫn nại, chịu thương chịu khó với quê hương. Đặc
biệt, đến bất cứ nơi đâu trên mảnh đất này, bạn cũng sẽ được nghe văng vẳng điệu
hò khoan trữ tình, rộn rã.
Cảm nhận sau buổi trải nghiệm, em Nguyễn Thị Hồng
Anh, học sinh lớp 9A chia sẻ: “Nón lá Quy Hậu - món quà tuy nhỏ bé nhưng mang ý nghĩa
văn hóa vô cùng lớn lao. Nó thể hiện được hình ảnh, bản sắc và văn hóa Việt, nó
đi liền với hình ảnh của người phụ nữ Việt dịu dàng, đằm thắm, chịu thương chịu
khó, tần tảo, công dung ngôn hạnh… Là thế hệ mầm non tương lai của quê hương đất nước, chúng em nhận rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của
mình trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống của quê
hương, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng và phát triển quê hương ngày
càng giàu đẹp”.
Về phần mình, thầy cô giáo cũng đã phải nhận thức rõ
trách nhiệm lớn lao của mình trong việc thường xuyên giáo dục cho các thế hệ học
sinh tình yêu quê hương, yêu lao động, bồi đắp thái độ tôn trọng lịch sử, không
ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước.
Đó chính là trọng trách lớn lao và cao cả của đội ngũ thầy cô giáo và rộng ra
là của toàn xã hội.
Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm “Tìm hiểu giá trị
làng nghề truyền thống nón lá Quy Hậu” là một biểu hiện hết sức thiết thực và kịp
thời, góp phần tôn vinh, gìn giữ những giá trị truyền thống của quê hương. Trân quý giá trị truyền thống là nền tảng để tạo dựng lối sống
và đạo đức đúng đắn; cũng là cách mỗi người góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát
huy tinh hoa văn hóa dân tộc. Biết trân trọng những giá trị truyền thống, chúng
ta mới có thể vững vàng hội nhập và phát triển.