Người Lệ Thủy thật thà chất phác, không cầu kì trau chuốt ở lời ăn tiếng nói, họ quen với “ăn to nói lớn” kiểu “chặt to kho mặn”. Tuy nhiên, họ lại rất chú trọng đến sự cởi mở, chân thành theo lối ăn ở dung dị, thật lòng với nhau trong giao tiếp, chuyện trò. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nói chung và bảo vệ bản sắc, cốt cách văn hóa của người Lệ Thủy, Quảng Bình nói chung là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người, trong đó có học sinh - những người thường xuyên sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong giao tiếp xã hội, trong học tập, nghiên cứu.

So với miền Bắc và
miền Nam, giọng miền Trung thể hiện âm sắc địa phương rõ nhất so với hai vùng
còn lại, hơn nữa nội bộ các huyện, tỉnh ở miền Trung cũng có sự phân biệt giọng
đa dạng, phong phú. Với miền Trung, tiếng Lệ Thủy đã trở thành đặc sản, mang tính
tự tôn cao, quý giá đến mức người dân nơi đây dù có đi đâu chăng nữa trở về
mảnh đất này vẫn giữ được sự đặc trưng vốn có.
Người Lệ Thủy có
phong thái nói nhanh, ít có sự phân biệt thanh hỏi và ngã (thường dùng dấu hỏi
thay cho dấu ngã). Rất nhiều học sinh viết sai chính tả cũng bởi không phân
biệt được dấu thanh của từ. Thậm chí, nhiều em còn viết sai cả tên, họ của mình
(Nguyển-Nguyễn/Đổ-Đỗ/Vỏ-Võ…). Mặt khác, một số em phát âm, viết thừa chữ n/nh:
Nhân dân-nhanh danh/Quân đội-quanh đội/Mùa xuân-mùa xoanh…
Nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của giáo dục và đào tạo
trong việc rèn luyện chữ viết, chính tả, phát âm cũng như cách dùng phương ngữ
Lệ Thủy một cách đúng đắn và hiệu quả nhất, sáng 14/4/2025, Trường THCS Liên
Thủy đã tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề: “Vấn đề chữ viết và phát âm
của học sinh hiện nay - Phương ngữ Lệ Thủy” do thầy giáo Đỗ Đức Thuần đảm
trách. Hoạt động đã thu hút sự quan tâm, chú ý của giáo viên và học sinh toàn
trường.
Như tên gọi, hoạt động hướng tới ba nội dung chính: Vấn đề
chữ viết, cách phát âm của học sinh và phương ngữ Lệ Thủy. Đây là những vấn đề
có ý nghĩa thiết thực, gần gũi đối với các em trong đời sống, học tập hàng
ngày. Bởi vậy, các em đã lắng nghe và lĩnh hội một cách tự giác và hiệu quả. Em
Đỗ Bảo Châu, học sinh lớp 7A (người vừa đạt giải ba môn Ngữ văn cấp huyện) chia
sẻ: “Đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với em và các bạn. Chúng em đã ý thức
được trách nhiệm, thái độ của mình đối với tiếng nói, chữ viết cũng như hiểu
sâu hơn về phương ngữ của quê hương xứ Lệ”. Em Lê Hà Nhật Phi (quê gốc Thanh
Hóa), học sinh lớp 9C thì cho rằng, quả thật văn hóa của người Lệ Thủy được thể
hiện qua lời ăn tiêng nói rất đa dạng, phong phú. Hoạt động lần này giúp em
hiểu được sâu hơn, rộng hơn về mảnh đất và con người nơi đây. Em hứa là sẽ học
tập và rèn luyện giỏi để xứng đáng với những gì mình nhận được hôm nay.
Đại diện nhà trường, cô giáo Hiệu trưởng Mai Thị Hương Giang
cho biết, đây là hoạt động đã được bản thân cô và BGH ấp ủ, lên kế hoạch từ đầu
năm học. Mục đích chính của hoạt động là cung cấp cho các em học sinh các kĩ
năng, kiến thức trong việc viết chữ đúng, phát âm chuẩn và sử dụng phương ngữ
một cách hợp lí, hiệu quả nhất. Cô Giang cũng tỏ ra rất vui mừng, phấn khởi khi
các em học sinh tỏ ra rất chăm chú lắng nghe và tương tác với giáo viên trình
bày. Điều đó chứng tỏ rằng, thế hệ trẻ cũng rất quan tâm đến những vấn đề về
tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hóa địa phương.
Chúng
tôi cho rằng, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng đòi hỏi mỗi người
cần có những hiểu biết cần thiết về tiếng Việt. Đó là hiểu biết về chuẩn mực và
quy tắc tiếng Việt ở các phương diện phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, tạo
lập văn bản, tiến hành giao tiếp. Muốn có hiểu biết, người học cần tích lũy
kinh nghiệm từ thực tế giao tiếp, qua sách báo, học tập ở trường. Và, hoạt động
ngoại khóa của trường THCS Liên Thủy lần này là một nội dung vô cùng ý nghĩa,
thiết thực và hiệu quả trong sự nỗ lực chung đó của chúng ta.
BẢO CHÂU
