GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 53
Số lượt truy cập: 24506617
QUẢNG CÁO
BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG MỘT SỐ BỆNH TRUYỀN NHIỄM 3/30/2025 3:21:00 PM
Thời tiết chuyển từ mùa đông sang xuân với độ ẩm tăng cao, mưa phùn kèm theo nồm ẩm là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, thủy đậu, quai bị phát triển.Mùa xuân, đặc trưng của hình thái thời tiết với nhiều thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm… làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Vì vậy mỗi người chúng ta cần phải chú ý để phòng tránh những bệnh thường gặp trong tiết xuân như: Bệnh cúm A (H5N1); Bệnh sởi; Bệnh tiêu chảy; Bệnh chân – tay – miệng; … và một số những bệnh truyền nhiễm khác.

16.jpg

Đặc biệt trường học là  không gian lớn - là một môi trường tập thể, nơi rất nhiều học sinh học tập và vui chơi chung với nhau, do đó, các em sẽ khó tránh khỏi việc tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như ký sinh trùng, virus và vi khuẩn. Dưới đây là một số bệnh truyền nhiễm thường gặp ở học sinh và cách phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm.

I. Bệnh sởi:

1. Nguyên nhân gây bệnh:

          Bệnh sởi do vi rút sởi thuộc nhóm Paramyxovirus gây nên. Đây là loại virus có sức chịu đựng yếu, dễ bị tiêu diệt bởi các thuốc sát khuẩn thông thường, ánh sáng mặt trời…virus sởi tồn tại ở họng và máu bệnh nhân từ cuối thời kì ủ bệnh đến sau khi phát ban một thời gian ngắn. Bệnh rất dễ lây, thường gặp ở trẻ em, gây viêm long ở kết mạc mắt, đường hô hấp, tiêu hoá và các phát ban đặc hiệu. Có nhiều biến chứng nặng nề.

2. Đường lây:

          Người là nguồn bệnh duy nhất, lây trực tiếp qua đường hô hấp. Đặc biệt ở trẻ em chưa có miễn dịch, trẻ em từ 2 - 6 tuổi mắc bệnh nhiều.

3.Triệu chứng của bệnh sởi: 

a. Thời kì ủ bệnh: 10 -12 ngày.

b. Thời kì khởi phát:

           - Hội chứng nhiễm khuẩn: Sốt 38,5oC - 40oC, nhức đầu, mệt mỏi …

           - Hội chứng xuất tiết niêm mạc:

          + Mắt: Kết mạc đỏ, phù mi mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.

          + Hô hấp: Sổ mũi, hắt hơi, khản tiếng, ho khan, có khi có ít đờm

          + Tiêu hoá: Nôn, đi ngoài phân lỏng.

           - Có hạt nội bang: Trên nền niêm mạc má viêm đỏ nổi lên những chấm trắng nhỏ, đường kính khoảng 1mm.

  c. Thời kì toàn phát: 

          - Sốt cao 39oC - 40oC, có thể mê sảng co giật, ho nhiều, viêm nhiễm và xuất tiết đường hô hấp, chảy nước mắt.

          - Phát ban với đặc điểm:

          + Là ban dát sẩn, màu đỏ, hồng hay tía. Hình tròn hoặc hình bầu dục, to bằng hạt đậu, hay cánh bèo tấm, sờ vào mềm, mịn như sờ vào tấm vải nhung, giữa các ban sởi có khoảng da lành.

          + Thứ tự mọc ban:

           Ngày thứ nhất: Ban sởi mọc ở chân tóc, sau tai, sau gáy, trán, má đầu, mặt, cổ.

            Ngày thứ hai: Ban mọc tới ngực lưng và hai tay.

            Ngày thứ ba: Ban mọc xuống bụng và hai chân.

           + Ban sởi tồn tại hai đến ba ngày rồi lặn theo trình tự đã mọc để lại trên da những vết thâm vằn như da hổ da báo. Khi ban lặn các dấu hiệu lâm sàng khác giảm dần.

4. Biến chứng:

           Virus sởi phá huỷ lớp biểu mô niêm mạc và hệ thống miễn dịch, làm giảm lượng vitamin A, do đó có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khác.

         - Bội nhiễm: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm tai giữa.

         - Thần kinh: Viêm não sau sởi

         - Suy dinh dưỡng do ăn uống kiêng khem.

         - Loét miệng: Các vết loét ở trong miệng, môi lưỡi; vết loét có màu đỏ, được phủ một lớp trắng rất đau. Vết loét có thể sâu, rộng làm cho trẻ ăn khó khăn

       - Chảy mủ mắt.

       - Mờ giác mạc, đây là dấu hiệu nguy hiểm có thể do thiếu vitamin

5. Phòng bệnh: 

       - Tiêm phòng vắc xin sởi đầy đủ cho trẻ dưới một tuổi.

       - Phát hiện sớm và cách ly người bị sởi.

       - Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đặc biệt sát khuẩn mũi, họng hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường bằng nước muối.

       - Thực hiện vệ sinh môi trường sống, đảm bảo nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng.

II. Bệnh cúm A (H5N1):

1. Nguyên nhân gây bệnh:

         Bệnh cúm A (H5N1) là bệnh do vi rút cúm A (H5N1) gây ra. Bệnh có diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể cứu sống bệnh nhân, do vậy cần đặc biệt lưu ý khi ở vùng có nhiều gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) chết, lại xuất hiện những người có biểu hiện ho, sốt cao, đau đầu, đau mỏi người...

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh:

           Bệnh diễn biến hết sức cấp thời với biểu hiện đầu tiên là sốt. Sốt cao liên tục, trên 380C, có thể kèm rét run, tim đập nhanh. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, các triệu chứng đường thở bắt đầu xuất hiện: người bệnh ho, thường là ho khan, ít có các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, rát họng. Kế đến, bệnh nhân cảm thấy đau ngực. Sau nửa ngày, các triệu chứng trầm trọng xuất hiện nhanh: người bệnh thấy khó thở, tím tái, trường hợp nặng có thể có hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh, nhịp thở càng lúc càng nhanh, thở dốc, thở nông, xanh tái. Giai đoạn này thầy thuốc có thể nghe phổi, thấy có ran ẩm, đủ để chẩn đoán viêm phổi.

3. Cách phòng bệnh:

          Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó phòng bệnh là biện pháp quan trọng. Để chủ động phòng bệnh chúng ta cần thực hiện 4 biện pháp khẩn cấp sau: 

          a. Tăng cường vệ sinh ăn uống:

           - Chỉ ăn thịt, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm được nấu chín kỹ.

           - Chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc và đã được kiểm dịch không bị bệnh.

          - Không ăn tiết canh.

          - Không làm thịt và ăn các loại gia cầm ốm, chết. 

          b. Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh:

          - Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc trước khi ăn.

          - Rèn luyện thân thể, giữ ấm cơ thể, để nâng cao khả năng phòng bệnh.

          - Nên thay, giặt quần áo, rửa giầy dép hàng ngày. 

          - Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh.

          - Hạn chế tiếp xúc gia cầm kể cả khi chúng còn khỏe.

          - Chỉ giết mổ gia cầm khỏe; đeo khẩu trang, găng tay khi giết mổ; rửa dao, thớt bằng nước sôi sau khi giết mổ; nên có hai thớt để thái thịt sống và thái thịt chín.

          - Đeo khẩu trang, găng tay, mặc quần áo bảo hộ khi phải tiếp xúc với gia cầm. 

          - Nếu thấy sốt cao trên 380C, ho, đau ngực, khó thở kèm theo đau đầu, đau cơ mệt mỏi,...Cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Không tự ý mua thuốc điều trị ở nhà. 

III. Bệnh tiêu chảy:

1.    Bệnh tiêu chảy là gì ?

          Bệnh tiêu chảy là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường tiêu hoá, do kí sinh trùng, trực khuẩn, vi khuẩn hay samonellatyphy... gây ra. Với biểu hiện đi ngoài nhiều lần trong một ngày, phân nát không thành khuôn kéo theo sốt hoặc đau bụng và nhiều triệu chứng khác.

 2. Vì sao chúng ta phải phòng chống bệnh tiêu chảy cấp?

           Bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm lây lan nhanh và dễ tử vong nhưng có thể phòng được.

3. Các biện pháp phòng chống bệnh.

        3.1. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

         - Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.

         - Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp cần rắc vôi bột hoặc cloraminB sau mội lần đi tiêu.

         - Phân và chất thải của người bệnh phải đổ vào nhà tiêu, rắc vôi bột hoặc cloramin B vào sau mội lần đi để sát khuẩn.

         - Tránh tập trung ăn uống đông người như: ma chay, giỗ, cưới...

         - Hạn chế ra vào vùng đang có dịch.

         3.2. An toàn vệ sinh thực phẩm:

          - Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống sôi.

          - Không ăn thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá.

          3.3. Bảo  vệ nguồn nước và nguồn nước sạch:

          - Nguồn nước ăn uống phải đảm bảo sạch sẽ.

          - Cấm đổ rác thải, chất thải, nước giặt. Không rửa và đổ chất thải của người bệnh xuống ao, hồ, sông, suối và không vứt xác động vật và rác xuống ao, hồ.

          - Nước dùng để sinh hoạt lấy từ ao, hồ, sông, suối phải được khử khuẩn bằng cloramin B trước khi dùng.

 4. Khi trong gia đình có người bị tiêu chảy chúng ta phải làm gì?

          Khi trong gia đình có người bị tiêu chảy phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời

         *Thực hiện biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm:

         - Thực hiện ăn chín uống sôi. Tất cả đồ ăn thức uống cần đun sôi trước khi ăn, uống.

         - Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tiếp xúc với chất thải của người bệnh

         - Dụng cụ bát đĩa trước khi ăn cần rửa sạch và nhúng vào nước sôi.

         - Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến chống ruồi, muỗi, mưa gió, bụi bặm.

          - Xử lý phân, chất thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh. Không dùng phân tươi để bón và tưới rau.

5. Là học sinh chúng ta cần làm những gì?

- Cần ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng.

- Giữ ấm  cơ thể, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tuy nhiên, các em cũng cần chú ý không nên mặc quá nhiều áo, có thể làm cơ thể  toát mồ hôi và ngấm ngược lại gây cảm lạnh, sốt cao.

- Giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường học tập như không vứt rác bừa bãi ra lớp, sân trường và quanh lớp học

- Không ăn quà bánh, hoa quả xanh, uống nước lạnh.

- Rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh.

- Khi thấy cơ thể có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, các em không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đến ngay các cơ sở y tế để được được khám, tư vấn và điều trị kịp thời

IV. BỆNH QUAI BỊ

1. Bệnh quai bị là gì?

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân, hè, tuy nhiên bệnh có thể xảy ra quanh năm kể cả vào mùa thu, đông. Bệnh thường phát triển thành dịch ở những tập thể đông đúc như nhà trẻ, trường học.

Đây là một bệnh nhẹ nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, đặc biệt nguy hiểm nhất là viêm sưng tinh hoàn, thường là một bên, xảy ra từ 20 - 30% ở nam giới trưởng thành.

2.     Nguyên nhân:

Quai bị do virus gây nên, rất dễ lây qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi. Bệnh thường hay gặp ở trẻ nhỏ, cả trẻ lớn chưa được tiêm phòng quai bị và lứa tuổi vị thành niên chưa có miễn dịch quai bị, người lớn cũng có thể mắc nhưng tỷ lệ là thấp hơn. Thời gian lây là từ 6 ngày trước khi toàn phát và đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý.

3.     Triệu chứng:

             -Bệnh nhân bị sốt cao (39 – 400C) trong 3 - 4 ngày, chảy nước bọt, sưng vùng mang tai, dấu hiệu dễ nhận biết nhất là má sưng to, có thể sưng một bên mặt rồi lan sang bên kia hoặc sưng hai bên cùng một lúc. Tuy nhiên, có khoảng 25% người bị nhiễm virus quai bị mà không có triệu chứng bệnh lý, đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không biết. Bệnh thường tự khỏi sau 1 tuần đến 10 ngày. Sau đó bệnh nhân được miễn dịch suốt đời.

4. Biến chứng:

- Viêm tinh hoàn: Thường gặp ở tuổi dậy thì, hiếm gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn trên 40 tuổi, xuất hiện sau khi sưng tuyến mang tai 1 - 2 tuần. Bệnh nhân đau tinh hoàn sắp sưng, sau đó tinh hoàn sưng to gấp 3 - 4 lần bình thường. Thường thì sưng 1 bên, cũng có thể sưng 2 bên, sau 2 tuần mới hết sưng. Sau 2 tháng mới đánh giá được tinh hoàn có teo hay không. Tỷ lệ teo tinh hoàn do quai bị là 30 - 40%. Nếu bị teo tinh hoàn 2 bên thì khả năng vô sinh rất cao.

- Viêm buồng trứng: Chiếm 7% các trường hợp mắc bệnh ở tuổi sau dậy thì (hiếm khi vô sinh). Nếu nhiễm bệnh ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu có khả năng gây dị dạng thai, sảy thai. Nhiễm bệnh vào 3 tháng cuối có thể tăng nguy cơ thai chết lưu hoặc đẻ non.

- Viêm não hoặc viêm màng não: Thường xuất hiện sau 7-10 ngày với triệu chứng nhức đầu nghiêm trọng và cứng cổ.

5.  Phòng và điều trị:

Biện pháp phòng bệnh quai bị hữu hiệu nhất là tiêm vaccin. Vaccin phòng bệnh quai bị có tác dụng kích thích cho trẻ em sản sinh kháng thể kháng quai bị kháng thể đạt mức độ cao nhất sau khi tiêm chủng 6 - 7 tuần.

Số lần tiêm: Nếu bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi: tiêm 3 lần, lần 1 lúc 9 tháng tuổi, lần 2 sau lần 1 sáu tháng, lần 3 khi trẻ từ 4-12 tuổi. Nếu bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi: tiêm 2 lần, lần 1 lúc 12 tháng tuổi lần 2 từ 4-12 tuổi. Tiêm chủng khẩn cấp được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi, trẻ vị thành niên và người lớn nếu đã có tiếp xúc với bệnh nhân quai bị nhưng chưa có tiền sử mắc quai bị và chưa được tiêm chủng theo lịch phòng bệnh quai bị. Trong trường hợp không có chống chỉ định, vaccin cần được tiêm không muộn hơn 72 giờ kể từ khi có tiếp xúc với bệnh nhân.

Đây là bệnh do virus gây ra nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các trường hợp mắc bệnh phải được nghỉ ngơi tại chỗ; ăn thức ăn mềm, dễ nuốt. Khi bị mắc bệnh, người bệnh cần vệ sinh răng miệng thường xuyên; cần được cách ly trong khoảng 2 tuần kể từ khi có triệu chứng sưng ở mang tai. Trẻ em bị bệnh không được đến trường, vì như vậy sẽ là nguồn lây bệnh cho các trẻ khác. Người lớn mắc bệnh cũng cần được cách ly như trẻ nhỏ tại phòng riêng. Các đồ vật có liên quan đến chất tiết mũi, họng cần phải được diệt khuẩn tốt. Có thể giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng Paracetamol. Trường hợp viêm tinh hoàn, chú ý mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau; nghỉ ngơi là chủ yếu, hạn chế vận động. Trường hợp bệnh nhân đã giảm sốt mà sốt trở lại hoặc đau vùng bụng dưới cần đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị và trách các biến chứng nặng hơn.

 

                                                                             Nhân viên y tế

                                                         

 

                                                                             Ngô Thị Tuệ    

 

 

TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
HT-Mai Thị Hương Giang
HT-Mai Thị Hương Giang
0943888905
PHT-Nguyễn Văn Linh
PHT-Nguyễn Văn Linh
0914656687
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS LIÊN THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3883695 - Email: thcs_lienthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com