GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 45
Số lượt truy cập: 24576405
QUẢNG CÁO
TUYÊN TRUYỀN MĂNG NON THÁNG 12/2019 4/23/2019 7:19:22 AM
Đội tuyên truyền măng non trường THCS Liên Thủy xin được gửi đến các thầy cô giáo và các bạn học sinh lời chào trân trọng, lời chúc sức khỏe. Kính mời các thầy cô giáo và các bạn đến với chương trình phát thanh tháng 12 lần 1 năm học 2018-2019.

Mở đầu chương trình xin được gửi tới các thầy cô và các bạn bài hát  “Màu áo chú bộ đội” - Nhạc và lời: ……… 

Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn.

Chương trình phát thanh măng non hôm nay xin chuyển đến các thầy cô giáo và các bạn 2 nội dung:

1-Phát động thi đua chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam với chủ điểm: “Tự hào truyền thống - Tiếp bước cha anh”

Thiết thực hướng tới kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, thầy cô giáo và các bạn học sinh đã tích cực tập luyện tiết mục hò khoan tham gia hội thi  Em hát dân ca- hò khoan Lệ Thủy. Với sự nỗ lực, chuẩn bị công phu, tiết mục đã đạt giải khuyến khích cấp huyện đấy các bạn ạ.

Các bạn thân mến, tháng 11 khép lại với chủ điểm “Tôn sư trọng đạo”, chúng ta bước sang tháng 12 với chủ điểm: “Tự hào truyền thống - Tiếp bước cha anh”. Trong không khí se lạnh của những ngày mùa đông, cả nước lại rộn ràng hướng đến kỉ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12.

        Năm 1989, theo chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22-12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là ngày Hội quốc phòng toàn dân. Từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày này, toàn dân Việt Nam lại tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động như mít tinh, hội thảo, hội nghị đoàn kết quân dân, giáo dục truyền thống, biểu diễn văn nghệ, đại hội thanh niên, thi đấu thể thao, hội thao quân sự,... được diễn ra ở khắp làng, xã, cơ quan, đoàn thể, cơ sở đơn vị...

Tiếp bước các thế hệ ông, cha, lớp lớp thanh thiếu nhi Việt Nam đã và đang ra sức, rèn luyện, xây dựng và bảo vệ đất nước. Toàn thể đội viên trong Liên đội trường THCS Liên Thủy quyết tâm thi đua học tập, rèn luyện các bạn nhé!

 

 

 

 

 

 

Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn.

2- Nội dung 2 chúng ta được nghe  về “Quyền trẻ em”

Cùng với việc phát triển kinh tế, trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Từ các bản Hiến pháp, các bộ luật, luật đến các văn bản dưới luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với các công ước quốc tế và truyền thống văn hoá của dân tộc.

Trong chương trình phát thanh măng non tháng này, xin giới thiệu với các bạn Luật trẻ em được Quốc hội ban hành năm 2016 với nội dung chương II về Quyền và bổn phận của trẻ em. Trẻ em theo quy định của Pháp luật có những quyền sau đây:

Điều 12. Quyền sống

Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các Điều kiện sống và phát triển.

Điều 13. Quyền được khai sinh và có quốc tịch

Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Quyền được chăm sóc sức khỏe

Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 15. Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng

Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện.

Điều 16. Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu

1. Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân.

2. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.

Điều 17. Quyền vui chơi, giải trí

Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi.

Điều 18. Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc

1. Trẻ em có quyền được tôn trọng đặc Điểm và giá trị riêng của bản thân phù hợp với độ tuổi và văn hóa dân tộc; được thừa nhận các quan hệ gia đình.

2. Trẻ em có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.

Điều 19. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Trẻ em có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải được bảo đảm an toàn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 20. Quyền về tài sản

Trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Quyền bí mật đời sống riêng tư

1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

Điều 22. Quyền được sống chung với cha, mẹ

Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Khi phải cách ly cha, mẹ, trẻ em được trợ giúp để duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình, trừ trường hợp không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 23. Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ

Trẻ em có quyền được biết cha đẻ, mẹ đẻ, trừ trường hợp ảnh hưởng đến lợi ích tốt nhất của trẻ em; được duy trì mối liên hệ hoặc tiếp xúc với cả cha và mẹ khi trẻ em, cha, mẹ cư trú ở các quốc gia khác nhau hoặc khi bị giam giữ, trục xuất; được tạo Điều kiện thuận lợi cho việc xuất cảnh, nhập cảnh để đoàn tụ với cha, mẹ; được bảo vệ không bị đưa ra nước ngoài trái quy định của pháp luật; được cung cấp thông tin khi cha, mẹ bị mất tích.

Điều 24. Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi

1. Trẻ em được chăm sóc thay thế khi không còn cha mẹ; không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

2. Trẻ em được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

Điều 25. Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục.

Điều 26. Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Điều 27. Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Điều 28. Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt.

Điều 29. Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy

Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Điều 30. Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính

Trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác.

Điều 31. Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang

Trẻ em có quyền được ưu tiên bảo vệ, trợ giúp dưới mọi hình thức để thoát khỏi tác động của thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang.

Điều 32. Quyền được bảo đảm an sinh xã hội

Trẻ em là công dân Việt Nam được bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của pháp luật phù hợp với Điều kiện kinh tế - xã hội nơi trẻ em sinh sống và Điều kiện của cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em.

Điều 33. Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội

Trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp; có quyền tìm kiếm, thu nhận các thông tin dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật và được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em.

Điều 34. Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp

Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng.

Điều 35. Quyền của trẻ em khuyết tật

Trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hòa nhập xã hội.

Điều 36. Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn

Trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, trẻ em lánh nạn, tị nạn được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo, được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Các bạn học sinh thân mến, hơn 4 tháng học đã kết thúc, chúng ta đã bước vào tháng 12  cũng là tháng học cao điểm chuẩn bị kết thúc học kỳ I. Mong rằng chúng ta sẽ khắc phục được những thiếu sót trong học tập, giành nhiều điểm tốt, giờ học tốt đạt kết quả cao trong kỳ thi học kỳ I các bạn nhé !

        Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn vào buổi phát thanh lần sau. Xin cám ơn các thầy cô giáo và các bạn đã chú ý lắng nghe.

TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
HT-Mai Thị Hương Giang
HT-Mai Thị Hương Giang
0943888905
PHT-Nguyễn Văn Linh
PHT-Nguyễn Văn Linh
0914656687
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS LIÊN THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3883695 - Email: thcs_lienthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com