GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 16
Số lượt truy cập: 23083718
QUẢNG CÁO
AI VỀ LỆ THỦY THONG DONG CON NGÒI... 2/14/2021 1:43:11 PM
Là người dân xứ Lệ, không ai lại không thuộc nằm lòng câu ca đã đi vào sách sử: “Lệ Thủy gạo trắng nước trong/Ai về Lệ Thủy thong dong con người” Tôi không thích dùng chữ “người”, thay vào đó là chữ “ngòi”. Như vậy câu ca này sẽ thành là:“Lệ Thủy gạo trắng nước trong/Ai về Lệ Thủy thong dong con ngòi” (sông ngòi).


        Về điểm này, xin trao đổi thêm: Sở dĩ nói “thong dong con ngòi” mà không nói “thong dong con người” là bởi vì ngày trước phương tiện đi lại chủ yếu bằng thuyền đò. Sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An viết: “Trạm dịch Bình Giang ở xã An Trạch (Tổng Mỹ Trạch - thế kỷ 18 là tổng An Trạch. (Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, tổng này có 8 phường là: An Trạch, Cổ Liễu, Thổ Ngõa, Liêm Ái, Tâm Duyệt, Quy Hậu, Dương Xá, Uẩn Áo.): Từ Minh Linh đi bộ tới hay tư Nhật Lệ đi thủy qua, đường đều thông suốt. Điệp rùng lưng non, lăn tăn mặt nước, sông núi ngắn dài ngàn vạn dặm gió trăng, đó là nơi khách xa nghỉ ngơi có phong cảnh đẹp vậy.”.

        Cũng trong cuốn địa chí này, khi nói về chùa Kính Thiên (Hoằng Phúc), Tiến sĩ họ Dương viết: “Chùa ở gần trạm Bình Giang, huyện Lệ Thủy, nước biếc uốn quanh, non xanh chầu về. Hẳn nhiên là một ngôi chùa u tịch, một cõi thần tiên vậy”. Có thể nói, hầu như khi viết huyện Lệ Thủy trong “Ô châu cận lục”, Dương Văn An hoàn toàn di chuyển bằng thuyền (?!)

2.jpg

3.jpg

       Lệ Thủy có tuyến chính đường sông trên sông Kiến Giang dài 32km. Đoạn 1 tại cống An Lạc xã An Thủy đi Trôốc Vực xã Văn Thủy dài 18km. Đoạn 2 từ Trôốc Vực đi khe Bang dài 14km. Ngoài ra các nhánh sông nối với các hói như hói Quy Hậu nối với kênh Sen, hói Tuy Lộc nối với Sa Vàng, hói Xuân Lai nối với hói Quan, hói Tân Lệ nối với Hoa Thủy. Rõ ràng, với hệ thống giao thông nội đồng chằng chịt, ngày trước khi phương tiện đi lại còn hết sức khó khăn và thiếu thốn thì đường thủy chính là lựa chọn số 1 trong sinh hoạt và phát triển sản xuất.

Ngày trước, Mạ tôi cùng bạn buôn đi-về Đồng Hới bằng “đò dọc”, chèo về phá An Lạc, ra đập Mỹ Trung về thẳng của Nhật Lệ. Họ thay nhau chèo. Chèo nghê ngói, vừa chèo vừa hò điệu mái dài mái ruỗi:  “Ai ơi bạc lắm hỡi mình/ Người xưa kia bán tử chi tình vô vòng con rể/ Thầy mẹ ở nhà thương rể đặt giữa bàn tay/ Gánh tương tư ngày một nặng ngày, chừ chàng nghe ai mà xiêu lòng lạt dạ...”. Có khi còn hò những câu đối đáp rất nghịch ngợm:

- “Từng cười ba chú thợ may

Nhận hàng móc đó bít ngày mô xong?”

- “Lụa chưa may anh còn trải đó

Chừ anh xin nói nhỏ với cô ba

Cô ưng may lưng hẹp hay rộng tà

Hay ướm vô cho anh thử rồi cởi ra cho anh làm...”

Người ngồi hoặc hò theo, hoặc giở gói bún ruốc thịt heo, kẹp với rau muống ngắt dọc bờ sông, vừa ăn vừa trạo chuyện bán mua rôm rả.4.jpg

Tôi lớn lên buôn bán ở chợ Tréo, mỗi lần chở hàng về nhập ở chợ Hôm Tuy, chợ Thùi đều thuê đò của nhà mụ Ú. Cũng tương tự, người dân ở những vùng dưới như Phú Thọ, Thạch Bàn, An Thủy, Lộc Thủy... muốn lên chợ Tréo bán mua, tất cả đều bằng đò dọc. Mỗi sớm trưa, bến đò chợ Tréo tấp nập thuyền đò, ca nô... xuôi ngược. Ở Văn Thủy, Ba Canh... muốn về chợ Tréo cũng phải đi bằng ca nô khách, ca nô hàng (còn gọi là ca nô chợ) của anh Cư người Huế...

Đó là chưa kể cả một hệ thống đò ngang chằng chịt đưa người, hàng hóa di chuyển sang hai bên bờ sông Kiến. Câu ca “Ai về Lệ Thủy Kiến Giang/ Cầu xây ba chiếc đò ngang vẫn chèo” phản ánh hoạt động mang giá trị truyền thống, nét văn hóa của vùng sông nước trù phú này.

Rồi những đám tang của vùng miệt dưới đưa người quá cố lên vùng bến Cơn Bôông (Cây Bông), đôộng An Sinh... thuộc các xã Trường Thủy, Văn Thủy mai táng đều bằng thuyền, gọi là “nôốc kết”. Sau khi đò đã được kết liền với nhau (thường kết đôi, tức kết 2 chiếc song song với nhau), người ta lướt ván phái trên để tạo thành một mặt phẳng để linh cữu. Âm công được chia làm hai mạn tả hữu để chèo. Vừa chèo vừa hò những điệu hò đưa linh nghe bầm gan tím ruột: “Đến ngoẹo cổ cò ruột héo gan khô...”.

Chèo suốt đêm đến gần sáng, để kịp hạ huyệt khi mặt trời chưa ló rạng. Việc của cõi âm thì phải vào ban đêm nên tùy theo đoạn đường ngắn dài mà chọn giờ khởi sự. Suốt chặng đường dài đó chỉ có tiếng phèng la, trống điểm và tiếng hò khoan.

 - “Cuộc hồng trần xoay vần quá ngắn,

Kiếp phù sinh tụ tán mấy trăm hồi.

Người đời có biết chăng ôi,

Thêm người tuy có, có rồi lại không”

-  “Khi nào ra trướng vào màn, bây giờ nhà cửa, xóm làng cách xa.

Khi nào mẹ mẹ cha cha,

Bây giờ bóng núi, khuất xa muôn trùng”

- “Khi nào vợ vợ chồng chồng,

Bây giờ trăng khuyết, còn mong chi tròn.

Khi nào cháu cháu con con,

Bây giờ hai ngả, nước non cách vời.”

 Khi nện đất lấp mồ, nội dung câu hò đã đến đoạn cách biệt âm dương, người đi kẻ ở. Người ta không ngớt lời thở than sao lại bỏ nơi êm ấm mà tìm về nơi hoang lạnh. Lời hò nặng chịch theo tiếng chày nện đất.

“Ba tấc đất ngàn năm ly biệt,

Cám cảnh này thảm thiết đau thương.

Bởi vì ai cách biệt âm dương,

Để cho con xa mẹ, nhớ thương quá chừng.”

Vâng, đó là chuyện xưa. Còn ngày nay, khi mà phương tiện đi lại đã không thành vấn đề nữa. Ngồi một chỗ có xe đưa xe đón, máy lạnh “goai phai”, rồi máy bay máy bò hãng này hãng nọ. Sáng ăn bún riêu cua Hà Nội, trưa chén hủ tiếu Sài Gòn là chuyện quá ư vặt vãnh. Vậy thì “Ai đó” về Lệ Thủy không còn đi đò dọc đò ngang để thương thức cái thú thong dong, dân dã đó nữa, thay vào đó, Lệ Thủy với gạo trắng nước trong, phong cảnh hữu tình, với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp cộng với con người Lệ Thủy mến khách, nhận hậu, thủy chung... sẽ làm cho lữ khách cảm thấy khoan khoái, hài lòng, người sẽ trở nên thong dong, sảng khoái và mãn nguyện.

“Thong dong con người” hay “thong dong con ngòi” chẳng còn quan trọng nữa. Quan trọng là bạn có về Lệ Thủy cùng tôi không?!

BẢO CHÂU
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Mai Thị Hương Giang
Mai Thị Hương Giang
Võ Mạnh Khương
Võ Mạnh Khương
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS LIÊN THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3883695 - Email: thcs_lienthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com